CHỤP ẢNH BẰNG ĐIỆN THOẠI SAO CHO ĐẸP

Bây giờ ai cũng có điện thoại thông minh và ai cũng có thể dùng nó để chụp ảnh, chụp cho bạn bè và tự chụp seo phì. Các nhiếp ảnh gia không phải lúc nào cũng kè kè máy ảnh bên mình nên nhiều khi cũng dùng điện thoại để chụp và chụp vẫn đẹp.
Có phải các nhiếp ảnh gia tài giỏi không? Đúng là họ giỏi hơn người không chuyên nhưng cái giỏi của họ là ở chỗ nếu biết chắc sẽ không đẹp là họ không chụp.
Muốn chụp đẹp bằng điện thoại phải:

1. Biết thế nào là bức ảnh đẹp
Định nghĩa về ảnh đẹp có rất nhiều, tuỳ theo cung bậc thẩm mỹ và chuyên nghiệp, ở đây xin bàn ở mức độ số đông, bình dân nhất. Nếu không biết thế nào là bức ảnh đẹp bạn sẽ mãi mãi chụp không đẹp, có chăng là ăn may mà thôi.
Đầu tiên bức ảnh đẹp phải rõ nét, đủ sáng và bố cục hợp lý.
Bức ảnh giống như một bài thơ, càng cô đọng càng tốt, nên tránh những chi tiết rườm rà. Chụp bông hoa hay người mà xung quanh lộn xộn, dây dợ lằng nhằng, đồ vật lộn xộn là hỏng. Những chi tiết xấu làm người xem ảnh không còn tập trung chú ý vào nhân vật chính nữa.
Tôi vẫn nói chụp ảnh khó nhất là chọn phông (nền), nếu phông xấu ta không chụp, chọn phông khác.
Nhiều người không phân biệt giữa ảnh phong cảnh với ảnh chân dung (cả người hay bán thân). Phong cảnh thì cảnh là chính, nhân vật trong ảnh là phụ hoặc chỉ để làm cho ảnh sinh động. Vì vậy trong ảnh phong cảnh phong cảnh là nhân vật chính, con người trong đó là nhân vật phụ. Vì vậy “nó” không được chiếm nhiều không gian trong bức ảnh.
Ngược lại, ảnh chân dung người là trung tâm, là nhân vật chính, phong cảnh chỉ để tôn vẻ đẹp hình thức và nội tâm nhân vật nên không thể chụp người bé tí tẹo trong không gian rộng lớn. Đây là lỗi thường gặp của những ông bà chủ điện thoại thích chụp ảnh nhưng không có khái niệm gì về thể loại và bố cục ảnh.



2. Biết được thế mạnh và thế yếu của điện thoại thông minh.
Như bất kỳ một kẻ thông minh nào, máy ảnh tích hợp vào điện thoại cũng có những cái cực ngu.
Bên cạnh ưu điểm là nhỏ gọn, tiện lợi, thao tác dễ dàng và có nhiều thành tựu công nghệ kể cả trí tuệ nhân tạo, máy ảnh của điện thoại có những nhược điểm làm cho nó thua kém máy ảnh kỹ thuật số:
⁃ Cảm biến nhỏ, thu ánh sáng yếu, chủ yếu là “tâng sáng” bằng thuật toán, ảnh chụp bằng điện thoại thiếu độ sâu màu và thường bị vỡ khi phóng to. Các hãng sản xuất cố gắng cải thiện việc này bằng cách ghép từ 2 đến 4 camera, dùng trí tuệ nhân tạo ghép hình ảnh của nhiều camera lại để tạo chiều sâu ảnh và xoá phông như thật.
Lời khuyên 1: Muốn chụp đẹp thì dùng điện thoại đời càng mới càng tốt.
⁃ Vì camera bé xíu nên độ méo hình khá là tàn bạo. Lại vì camera góc rộng nên chụp chân dung ta cứ phải tiến gần đến đối tượng, mà chụp càng gần càng bị méo hình, rất khó đỡ. Các nhà sản xuất “bịa” cho ta chế độ chụp chân dung, cho phép ta đứng xa khoảng 2,5 mét là chụp được mà không bị hiện tượng chụp mẹ vợ thành “mẹ vợ ngậm dấm”.
Lời khuyên 2: Khi chụp chân dung ta nên chuyển sang chế độ “Chân dung”, nếu có.
⁃ Một cái tội nữa khi chụp ảnh bằng điện thoại là đầu to chân bé, hoặc người cao như cái sào. Đó là ta không biết một quy tắc “camera ngang tầm mắt đối tượng” là chụp người thật nhất. Ta cao hơn đối tượng thì hạ điện thoại xuống, ta thấp hơn thì nâng nó lên. Nhiều người có xu hướng hạ thấp điện thoại chụp bạn cho nó cao như người mẫu. Như người mẫu đâu chưa thấy chỉ thấy ảnh bạn giống cái cột cờ một cách phi lý!
Lời khuyên 3: Camera ngang tầm mắt đối tượng chụp.
⁃ Điện thoại mỏng tang, khó để nó vuông góc với mặt đất. Anh để nó hơi ngửa ra sau, chụp người chân bị dài đầu bé, anh để hơi úp về phía trước, bạn anh đầu to chân lùn. Đừng tưởng đầu to mà thông minh, khối thằng đầu to rất dại đấy!



Lời khuyên 4: Cố để máy ảnh vuông góc với mặt đất.
⁃ Camera của điện thoại là góc rộng độ méo hình lớn, càng ra rìa càng phóng to ra.
Vì thế lời khuyên 5: cái này áp dụng khi chụp tập thể từ 3 người trở lên:
Người cao to béo mượt đứng vào giữa hàng, người thấp bé nhẹ cân đứng ra ngoài (rìa), khi đó người đứng rìa sẽ được phóng đại lên, đẹp mỹ mãn.
Cũng cùng lý do trên tuyệt đối không đứng thành vòng cung. Nhiếp ảnh gia phải tuyệt đối cương quyết không cho những người ngoài rìa tiến lên mà phải đứng thành đường thẳng, kẻo người đứng rìa sẽ to gấp rưỡi người đứng ở giữa. Cái này tưởng đơn giản nhưng rất khó vì người đứng rìa luôn có xu hướng tiến lên phía trước, lo sợ mình sẽ bị “ra rìa”.

⁃ Lời khuyên 6: Lấy ngón tay chạm nhẹ vào mặt (mắt càng tốt) của đối tượng để điện thoại lấy nét và đo sáng. Nhớ là chạm trên màn hình chứ không chạm vào mặt đối tượng, mất người yêu như chơi.



⁃ Lời khuyên 7: chụp bằng máy ảnh hay bằng điện thoại đều phải làm hậu kỳ. Trên điện thoại nào cũng có phần mềm chỉnh sửa ảnh tích hợp. Ta có thể chỉnh thoải mái, khắc phục những khiếm khuyết khi chụp và hoàn thiện bức ảnh. Chỉ lưu ý chớ có làm mịn mặt quá đà mà chồng và ông hàng xóm đều không thể nhận ra. Cao tay hơn một chút, ta có thể cài thêm app Snapseed mà tôi đã có lần giới thiệu, dùng nó chỉnh sửa ảnh rất tốt.
⁃ Lời khuyên 8 và cuối cùng: chụp ảnh bằng điện thoại vừa rất dễ vừa rất khó như trình bày ở trên. Ai chụp cũng được vì tưởng nó dễ, chỉ khi ta biết những cái khó (nhược điểm của điện thoại) ta mới cố tìm cách hạn chế chúng. Muốn chụp đẹp, quan trọng nhất là đam mê và chịu khó vượt qua chính mình.
Chúc các bạn tôi, những người chỉ chụp bằng điện thoại chụp ngày càng đẹp!

No comments:

Post a Comment